- Người giàu ít giữ tiền – người nghèo thích giữ tiền:
Như chúng ta đã nghiên cứu ở các phần trước, việc in tiền chỉ có thể làm ảnh hưởng những người đang giữ tiền. Những người giữ hàng hoá sẽ không bị ảnh hưởng gì (bởi nếu bạn đã giữ 1 chai rượu từ lúc giá là 9$, nay rượu lên giá 11$ thì cái mà bạn có thể sử dụng vẫn là 1 chai rượu không hơn không kém). Như vậy, in tiền chỉ ảnh hưởng những người nào giữ tiền mặt hoặc tài khoản ngân hàng (ở đây không bàn đến người đi vay và cho vay).
Khổ một cái, người giàu lại thường ít giữ tiền hơn người nghèo. Lí do là:
- Tỉ lệ chi tiêu thiết yếu trong thu nhập của người giàu thấp hơn: Thông thường, chúng ta giữ tiền để đáp ứng nhu cầu chi tiêu thiết yếu (như tiền nhà, tiền ăn, tiền mua vật dụng cần thiết); phần còn lại tiết kiệm sẽ được đưa vào ngân hàng hoặc mua tài sản (nhà, vàng, chứng khoán,…). Khổ nỗi, nhu cầu chi tiêu thiết yếu không chênh lệch nhau nhiều như thu nhập (dù giàu hay nghèo thì ăn cũng một ngày ba bữa, dù có thể tiền ăn của người giàu lớn hơn chút ít). Ví dụ cho dễ hiểu:
Giả sử một ngày chúng ta cần ăn 3 bữa ăn. Có 2 mức giá: bình dân 10$, cao cấp 20$. Có 2 người, người giàu là M., thu nhập mỗi ngày 200$; người nghèo là N., thu nhập mỗi ngày 50$. Do là người giàu, M. ăn cơm cao cấp, tốn 60$, còn lại tiết kiệm 120$; do nghèo hơn, N. ăn cơm bình dân, chi mỗi ngày 30$, tiết kiệm 20$. Giả sử cả 2 người đều tiết kiệm bằng cách mua vàng. Như vậy, M. chỉ giữ 30% thu nhập của mình dưới dạng tiền mặt để mua cơm, trong khi N. giữ 60% tiền mặt. Do vậy, khi lạm phát xuất hiện, người chịu khổ hơn sẽ là N. (vì hầu hết thu nhập của anh chàng đều lãnh thuế).
- Người giàu tiết kiệm bằng cách mua tài sản, người nghèo tiết kiệm bằng cách gửi ngân hàng: Khổ hơn cho người có thu nhập thấp, những đồng tiền tiết kiệm được của họ khó có thể đem đầu tư vào tài sản (chứng khoán, vàng,…) như người giàu, bởi họ không có lợi thế về quy mô. Để đầu tư hiệu quả, người giàu có thể thuê các tư vấn viên chứng khoán, vàng,… với kiến thức chuyên môn cao để hỗ trợ quyết định đầu tư. Mặt khác, do là người giàu, họ có thể mua số lượng lớn, và nhận được nhiều thông tin hơn (ví dụ, mua lại phần lớn cổ phần một công ty, tham gia vào ban quản trị, và biết nhiều thông tin hơn). Đối với người nghèo, việc đầu tư thiếu kiến thức và thông tin sẽ trở thành thảm hoạ. Do đó, người nghèo thường gửi tiền vào ngân hàng. Khổ cái là, tiền gửi ngân hàng cũng không tránh khỏi lạm phát. Và thế là người nghèo chạy trời không khỏi nắng. Theo như ví dụ ở trên, M. có thể lấy 120$ mua vàng và thoát lạm phát, trong khi N. phải gửi ngân hàng 20$ còn lại và tiếp tục è cổ chịu thuế lạm phát.*
Như vậy, đối với việc đánh thuế lạm phát, người giàu có thể né đòn bằng cách đầu tư phần tiết kiệm của mình vào tài sản, trong khi người nghèo chỉ biết đứng yên chịu trận theo nhiều cách khác nhau. Khổ ở đó, lạm phát chỉ nhìn độ giàu nghèo của người dân bằng số tiền họ có chứ không phải tài sản, khiến người giàu được nghèo hoá và người nghèo được giàu hoá, và hiệu quả san bằng khoản cách thu nhập bị giảm sút một cách ngon lành.